Có đại gia từ TP HCM ra Hà Nội, tìm đến nhà Hồng Sơn nì nèo đòi mua bộ sưu tập các huy chương, giải thưởng của anh với số tiền khổng lồ: 3 tỷ đồng, nhưng cả đại gia đình đều lên tiếng phản đối.
Trong phòng khách tầng 2 ngôi nhà đắt giá ngay mặt phố Hàng Bông, lẫn giữa 36 phố phường bán buôn sầm uất của gia đình Hồng Sơn, có một ngăn tủ dành riêng để trưng bày những hiện vật thấm đẫm dấu ấn quanh cuộc đời cầu thủ đầy sôi động mà anh trải qua, suốt những năm tháng tuổi trẻ vinh quang, hào nhoáng. Ở đó, lưu giữ hầu hết những bằng chứng nhận… gợi nhắc kỷ niệm, được sưu tầm từ năm 1990, mùa giải đầu tiên Hồng Sơn ra mắt ở sân chơi bóng đá chuyên nghiệp cùng Câu lạc bộ Quân đội, và giành luôn danh hiệu “Vua phá lưới”. Năm đó, Hồng Sơn 20 tuổi.
|
Danh thủ Hồng Sơn và vợ con |
Chẵn hai thập niên đã qua, kể từ ngày Hồng Sơn trình làng đầy khí thế với giới bóng đá và công chúng rộng rãi của bóng đá. Hồng Sơn năm 2010, Trung tá Quân đội tuổi 40, người đàn ông chững chạc, ân cần, luôn xê dịch, ưa hoạt động, có thể chịu được nhiều thứ trừ cái điều duy nhất: Làm những công việc phải ngồi yên một chỗ.
Hồng Sơn treo giày đã 6-7 năm, không còn xuất hiện trên sân cỏ trong danh nghĩa cầu thủ, nhưng bóng đá thì anh khó có thể rời xa. Đảm đương trọng trách huấn luyện viên (HLV) đội U19 Viettel, Sơn ngày ngày từ nhà lên đơn vị ở Mỹ Đình, xoay vần quanh trái bóng, lăn lộn bên những chú nhóc ngây ngô như mình ngày trước. Tuần hai đêm anh phải “cắm trại” cùng đội bóng, để thực thi cả vai trò một “ma ma tổng quản”, quán xuyến bữa ăn, giấc ngủ, nền nếp sinh hoạt của lứa đàn em, giờ đã thuộc hàng con cháu. Sân cỏ, cũng khác xa thời Hồng Sơn đang dồi dào phong độ.
Thương hiệu Câu lạc bộ Quân đội hay Thể Công chỉ còn lưu trong tâm trí người hâm mộ về một thuở hồn nhiên, khi bóng đá chưa vấn vương tiền bạc. Lúc ấy, khái niệm chuyển nhượng, lương cao hay nhà lầu, xe hơi và những đãi ngộ cho cầu thủ mà người thường có quần quật cả đời cũng khó lòng mơ tới vẫn chưa xuất hiện. Thời “cơ chế thị trường” đã thành cụm từ cửa miệng, những người cầm trịch ở Viettel, dẫu nặng lòng với bóng đã, dẫu tôn trọng thương hiệu Thể Công vẫn phải hướng về hàng loạt mục tiêu gần, thực tế. Sơn bảo rằng, bóng đá lúc này chỉ là thành tích, đơn thuần thắng và thắng.
Nếu đội bóng thi đấu tốt, “các anh” vui sẽ được đầu tư nhiều, còn kết quả không như ý, mọi người nản và thờ ơ, đội bóng sẽ bị ảnh hưởng ngay. Hồng Sơn, dẫu một thời danh thủ tiếng tăm lừng lẫy, vẫn hiểu và chấp nhận luật chơi. Nhưng Sơn, nhiều khi không khỏi chạnh lòng, day dứt. Cái day dứt âm thầm của một người tự định danh mình, đau đáu với phận sự nhưng không thoát được mặc cảm “làm thuê”, phục tùng một “ông chủ” thất thường và hay nắng mưa thay đổi. “Ông chủ” coi đội bóng như món trang sức tốn kém, vướng víu, thuần túy để làm đẹp, lại mất công trông coi chứ chưa hề đem lại lợi ích thực tiễn gì. Bởi vậy, cho dù ưu ái lương bổng vẫn thuộc hàng “sao” theo đúng cam kết thị trường sóng phẳng. Hồng Sơn vẫn luôn ngoái nhìn quá khứ, buồn và tiếc nuối.
Bóng đá Việt Nam thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới chỉ có logo doanh nghiệp bao phủ trên áo đấu cầu thủ, thương hiệu câu lạc bộ đã vĩnh viễn nằm lại trong ký ức một thời. Thể Công, CLB Quân đội rồi lại Thể Công, giờ thành hết Viettel phong độ trồi sụt, chưa biết đến bao giờ mới được vị thế của chính mình. Phá vỡ định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức bao người, “bóng đã Việt Nam xây nhà từ nóc”, ban lãnh đạo Viettel đang dốc sức đặt móng cho CLB, tạo nên cái cốt nền bền vững để rất lâu rất lâu nữa, những thế hệ mai sau vẫn có thể vững tâm cất thêm tầng cao. Không ai hợp lý hơn Hồng Sơn ngồi vào vị trí ấy, cầm trịch đội trẻ, nắn cho các em từ những bước chạy cơ bản trên sân cỏ đến bước đi chập chững trong đường đời.
Sơn lành tính từ bé, ai cho gì nhận nấy, không hay đòi hỏi, nên đôi lúc, vẫn làm vuột khỏi tay những cơ hội lẽ ra đã thuộc về mình. Ngay thời điểm ở đỉnh cao sự nghiệp, Hồng Sơn cũng hầu như chỉ nhận được những phần thưởng tinh thần thuẩn túy và những món quà mà công chúng dành tặng. Môi trường quân đội khó “vượt rào”, chưa bao giờ có tiền lệ tặng nhà tặng đất cho các tuyển thủ lập công trạng lớn. Sơn dân Hà Nội, nhưng “danh chính ngôn thuận” Hà Nội nhìn Sơn như “thành tích” của Quân đội nên cũng ít đoái hoài, ngoài những tấm bằng khen nhận mỗi sự kiện lẫy lừng, trống dong cờ mở. Sau một giải đấu quốc tế lan truyền hứng khởi cho số đông khán giả, các tuyển thủ quốc gia khác, những đồng đội của Hồng Sơn, về địa phương mình được đón rước đối xử như người hùng thực thụ.
Họ được cấp đất, phân nhà, được tạo điều kiện làm ăn cải thiện đời sống kinh tế để yên tâm cồng hiến. Xét về những cái gạch đầu dòng dễ định giá, Hồng Sơn chính ra lại thua thiệt hơn nhiều tên tuổi tỉnh lẻ khác. Bù lại, sự biết mình biết người, dễ chấp nhận thành điểm cộng để học trò nể trọng, tăng thêm độ tin cậy vào người đàn ông có khuôn mặt con gái, điệu từ áo quần, dáng đi nét cười đến cả “nick name” mà “fan” hâm mộ dành tặng cho mình: Sơn “công chúa”.
Cuộc đời Hồng Sơn gắn với một chuỗi những sự tình cờ đầy ẩn ý của số phận. Cả chữ “đệm” Hồng bên cạnh tên “Sơn” cha mẹ đặt cũng là món quà ngẫu nhiên may mắn của thường ngày. Ông bà Bích Sinh – Sỹ Dậu sinh được 6 người con, 5 trai 1 gái. Nguyễn Sỹ Sơn là con trai thứ ba trong cái đại gia đình đông đúc ấy. 6 anh em, ngoại trừ cô út Cẩm Tú (hiện có chồng là nghệ sỹ cải lương nức tiếng Kim Tử Long), toàn trai sàn sàn lít nhít, ngay tuổi ấu thơ, đã được ông bà Bích Sinh rèn cặp cho thói quen quán xuyến việc nhà và chăm lao động. 5 cậu “ấm” phân công nhau, ai cũng phải tự tay nấu cơm, rửa bát, đến phiên là làm, không dám đùn đẩy dựa dẫm. Những lúc rảnh rỗi, ở nhà vẫn phải phụ mẹ đính nơ, khâu bèo áo cô dâu mà bà Bích Sinh may cho cửa hiệu. Làm mãi thành quen, Sơn bây giờ cũng chả nề hà chuyện nội trợ lặt vặt. Nhiều khi vợ quá bận rộn, Hồng Sơn khẩu trang bịt mặt kín mít, phóng xe len lỏi giữa các sạp hàng ngoài chợ mua đủ thứ rau cà mắm muối. Đảm đang đấy, nhưng lại ngượng nếu công chúng ái mộ lỡ nhận ra mình trong hình ảnh người đàn ông toan lo chuyện bếp núc.
Vào Câu lạc bộ Quân đội từ tuổi lên 10, Sỹ Sơn đã sống trong kỷ luật nhà binh, ăn ngủ đúng giờ, vui chơi đúng độ. Ngày ấy, những gia đình Hà Nội “phố” thường hướng sự chú ý của con cái mình đến hai thú vui tưởng như đối lập: đá bóng và chơi đàn ghi ta. Sỹ Sơn theo anh cả Sỹ Cường đầu quân làm học trò của một trong những danh cầm ghi ta nổi tiếng. Nhưng, được dăm bữa nửa tháng, cậu bé con lập tức “đốn ngộ”. Mình không hợp với công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, ít vận động. Sơn giã từ cây đàn ghi ta, xách giày thi tuyển vào lớp năng khiếu của CLB Quân đội, đội bóng có lượng “fan” hùng hậu nhất thời bấy giờ. Sỹ Sơn nhanh chóng gây ấn tượng, và trở thành con bài được chăm chút, rèn cặp kỹ lưỡng trong môi trường đầy kỷ luật. Xuất hiện ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (thực ra khi ấy chưa có danh xưng chuyên nghiệp), Sơn đã gây ấn tượng với biển người hâm mộ thường ngồi chật kín trên khán đài sân vận động Hàng Đẫy.
Báo chí chú ý, tìm đến và phỏng vấn. Chả hiểu nhầm lẫn hay cố ý, bài báo đầu tiên được in, người viết đã tự động đổi tên Nguyễn Sỹ Sơn thành Nguyễn Hồng Sơn mà không hề biết mình mắc sai sót. Sơn tự nghiệm ra rằng, từ khi có chữ “Hồng” xuất hiện, mỗi ngày thường của anh lại trở nên hanh thông, dễ dàng, và chữ “Hồng” cũng làm cái tên “Sơn” hoàng tráng, nhiều ý nghĩa hơn. Từ đó, có một Hồng Sơn cầu thủ được yêu mến vào bậc nhất trong làng bóng đá Việt Nam thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.
Gần 30 năm “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, Hồng Sơn tự nhủ lòng, mình đã nhận được rất nhiều từ môn thể thao vua. Danh tiếng, cảm tình của số đông người hâm mộ, và một cuộc sống đủ đầy, không phải quá bon chen, giằng xé, hợp với cá tính của người trai Hà Nội luôn biết quan tâm đến những vướng bận xung quanh khác, ngoài mình. Nhà ông bà Bích Sinh, con cái phương trưởng, nhưng “sao” ở đâu thì “sao”, về đến nhà không bao giờ được phép cư xử như người nổi tiếng. Khi đã thành danh thủ bóng đá, vui biết mặt, chúa biết tên, Hồng Sơn vẫn nem nép bên bố mẹ, chan hòa với cả những người làm công trong cửa hiệu áo cưới Bích Sinh. Đến bữa, mâm cơm vừa dọn ra, bố mẹ chưa kịp ngồi vào bàn, Sơn đã lanh chanh sắp đồ, lấy phần cho người giúp việc. Bà Bích Sinh không ít lần cười cười, “mắng” yêu cậu con “vàng bạc”. Đấy, bố mẹ thì chưa được ăn, đã săm sắn đi lo cho người khác. Ra đường, Hồng Sơn chưa bao giờ bị phạt, khi vô tình vi phạm Luật Giao thông. Thổi còi, thể nào các anh Công an cũng chỉ nhắc nhở, rồi cười và có khi còn xin chữ ký.
Từ lâu đã không còn tham dự vào những hoạt động bóng đá đỉnh cao, nhưng Nguyễn Hồng Sơn, Sơn “công chúa” vẫn là cái tên chưa hề phai mờ trong trí nhớ fan hâm mộ. Có đại gia từ TP HCM ra Hà Nội, tìm đến nhà Hồng Sơn nì nèo đòi mua bộ sưu tập các huy chương, giải thưởng của anh với số tiền khổng lồ: 3 tỷ đồng, nhưng cả đại gia đình đều lên tiếng phản đối. Hồng Sơn từ chối đã đành, bố mẹ anh, ông bà Bích Sinh cũng dẹp đi ý nghĩ ấy, chỉ đơn giản bởi tâm niệm: Đấy là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, là tài sản vô giá mà Hồng Sơn dành tặng cho 2 đứa con mình, một trai một gái đang vào tuổi chập chững tới trường.